Idol, thần tượng, chân ái, thích, rồi nó khác nhau chỗ nào?

*Bài viết này mang nhận thức cảm tính của người viết là phần nhiều, dựa trên cảm xúc và lối suy nghĩ của người viết nên có thể sẽ gây hoang mang, khó hiểu cho người đọc vì vậy khuyến cáo cân nhắc trước khi đọc*

Đối với nhiều người, những từ trên tiêu đề là những từ mang khái niệm rất đơn giản, rất dễ hiểu và rất đơn thuần. Nhưng đối với tôi, mỗi từ ngữ đó lại mang những ngữ nghĩa khác nhau và được tôi phân định dưới những trường cảm xúc khác nhau. Vậy nên mỗi lần có ai đó hỏi tôi những câu hỏi liên quan đến những từ ngữ trên, tôi đều cảm thấy khá khó khăn để giải thích vì nếu giải thích đầy đủ thì sẽ rất dài dòng và người khác cũng sẽ cảm thấy khó hiểu, thế nên tôi quyết định viết một bài nêu định nghĩa trong tôi về những từ ngữ trên. 

Đầu tiên là từ "idol", theo như định nghĩa từ tiếng Anh thì "idol" có nghĩa là thần tượng, là những người được mến mộ đặc biệt và luôn được nhiều người quan tâm để ý, có được sự tôn trọng nhất định cũng như được đón chờ ở mọi nơi. Có thể nói, đi theo nghĩa này của từ idol thì nó khá là đơn giản, không có gì phải suy nghĩa nhiều, ví như tôi có thể nói H.O.T. là idol của tôi => H.O.T. là thần tượng và là có được sự tôn trọng nhất định của tôi, đơn giản theo cách nói trong tiếng Anh là thế. Tuy nhiên, trong 1 số nền văn hóa ở một số quốc gia thì "idol" lại mang tính biểu tượng đại chúng hơn và được dùng để miêu tả một hình tượng nghệ sĩ nhất định trong giới giải trí. Ví dụ như ở Nhật và Hàn, từ "idol" có nghĩa là những chàng trai/ cô gái có ngoại hình bắt mắt được tuyển chọn kỹ lưỡng và thường có thể tham gia ở cả hai mảng nghệ thuật là ca hát và đóng phim. Tuy nhiên, ở những nền văn hóa này người ta thường xem "idol" như những nghệ sĩ giải trí đồng thời thường được tách biệt với những nghệ sĩ (artists) - được coi là những người làm nghệ thuật đúng mực, vì người ta cho rằng những idol chỉ là những người có gương mặt đẹp có thể làm giải trí và là những sản phẩm của nền công nghiệp âm nhạc, những chú gà được nuôi nấng kỹ lưỡng để phục vụ mục đích thương mại chứ không như những ca sĩ, diễn viên đi lên bằng thực lực, làm nghệ thuật chân chính và không cần đến sự lăng xê của công ty chủ quản. Mặc dù vậy, hiện nay ở Hàn Quốc người ta cũng đã có cái nhìn khác về những idol và nhiều idol Hàn được đánh giá có tài năng không kém gì những ca sĩ mainstream khác, hay thậm chí là được cho là nổi bật hơn hẳn.

Như vậy, có thể thấy cùng là một chữ "idol" nhưng ở mỗi nền văn hóa khác nó lại mang một khái niệm khác, được đánh giá dưới góc nhìn khác, và khi nó lọt vào cái đầu nghĩ sâu nghĩ xa nghĩ tùm lum tà la của tôi thì nó lại có một khái niệm khác, à mà cũng không phải khái niệm khác đúng hơn là được định hình dưới một góc nhìn khác. Đối với bản thân tôi, tôi đi theo khái niệm đơn giản nhất của từ này là "thần tượng được mến mộ và quan tâm đặc biệt" trong tiếng Anh. Nhưng, dưới góc nhìn của tôi, nó cũng có khác đôi chút. Theo cách nhìn của tôi, khi đã gọi một nghệ sĩ/ ban nhạc/ nhóm  nhạc nào đó là "idol" thì tức là mình đã trở thành fan của họ, mà một khi đã trở thành fan thì mối quan hệ giữa những người dưng với nhau cũng đã trở nên gần hơn và có chút đặc biệt hơn, tức là mối quan hệ fan-idol ấy. Và dĩ nhiên là khi đã nằm trong mối quan hệ này thì fan sẽ trở thành người luôn hiểu rõ về idol của mình, chẳng hạn như sinh nhật hay là quá trình thành danh của họ. Vì vậy khi nghĩ đến việc bản thân gọi một ai đó là idol của mình tức là mình đã trở thành một fan, có thêm một mối quan hệ là fan-idol, tôi lại nghĩ về một số nghệ sĩ tôi thích và cảm thấy:" Ồ, hình như có gì đó không ổn, bản thân mình là fan của H.O.T. và mình có thể nói cho người khác về ngày debut của H.O.T. trong phút chốc cũng như là quá trình thành danh của nhóm và mình cũng rất mến mộ The Beatles nữa, nhưng mình lại cảm thấy bản thân không quá hiểu rõ về họ và không thể nói cho người khác tường tận về họ như H.O.T. vậy là đối với The Beatles dù mình rất thích họ nhưng vẫn còn thiếu sự hiểu biết về họ để trở thành fan và đặt mình trong mối quan hệ fan-idol với họ." Là vậy đấy, dù rất thích một người nghệ sĩ nào đó, nhưng lại cảm thấy mình chưa đủ sự hiểu biết đối với họ, tôi vẫn từ chối gọi bản thân là fan họ và họ là idol của tôi. Đây là về chữ "Idol" dưới góc nhìn cá nhân của tôi thôi.

Tiếp đến là chữ thần tượng, nhiều người có lẽ sẽ thắc mắc: Chẳng phải nó cũng như cái trên sao? Về danh từ thì nó là cái ở trên đấy, nhưng về động từ thì lại khác. Tôi thường hay dùng 2 chữ "thần tượng" dưới dạng động từ hơn (idolize), ví dụ như "Tôi thần tượng Michael Jackson vì ông ấy là một người nghệ sĩ rất tài hoa và có lòng nhân ái. Ông ấy quan tâm đến trẻ em, người nghèo và truyền tải những thông điệp nhân văn thông qua những bài hát của mình. Từ lúc còn nhỏ những bài hát và giai điệu của Michael Jackson đã in hằn trong tâm trí tôi và cho đến tận khi trưởng thành những lời ca tươi đẹp vẫn còn vang dội trong lòng tôi. Ông ấy chính là giai điệu đầu tiên khiến tôi rung động, MV Thriller chính là MV đầu tiên khiến tôi không thể rời mắt khi xem lúc còn là một đứa bé. Dù ông ấy đã chết nhưng ông ấy vẫn mãi là huyền thoại bất tử của nhạc Pop, mãi là King Of Pop." Tức là khi sử dụng từ "thần tượng" dưới dạng động từ, tôi sẽ dùng nó để chỉ ra những người có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của tôi, đó có thể là người mà tôi không gọi là idol, nhưng luôn có một tầm quan trọng và có tác động đến cuộc sống của tôi. Vì vậy, đối với từ "thần tượng" ở dạng động từ, tôi có thể dùng để chỉ nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau với độ phổ biến khác nhau.

Còn những người mà tôi gọi là chân ái, thực ra họ không cần thiết phải là những người mà tôi thần tượng, càng không cần thiết phải là idol của tôi, nhưng họ sẽ là những người đã từng khiến cho trái tim của tôi thổn thức và xao xuyến trong nhưng hoàn cảnh đặc biệt. Nói cách khác, người mà tôi gọi là chân ái không cần là người có ảnh hưởng đến đời sống học tập, làm việc của tôi mà là những người có ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi những khi cảm xúc trong tôi gặp "trục trặc". Tôi sẽ dẫn một đoạn trong 1 bài viết trước đây tôi từng viết về chân ái thế này "Tự mỗi chúng ta sẽ có cho mình một định nghĩa riêng về "chân ái", và tự mỗi chúng ta sẽ có cho mình một hoặc mấy ai đó mà ta gọi là "chân ái". "Chân ái" của mình chính là người nắm thóp được những đoạn mạch cảm xúc của mình, một tích tắc nào đó, hình ảnh của họ hiện lên, hoặc là thoáng qua trong tâm trí hoặc là lướt nhẹ nhàng qua đôi mắt, thế rồi ta lại nhớ họ da diết, bất giác nở một nụ cười. Điều hay là dạng tình cảm này hiện hữu một cách lặng thầm và đôi lúc nó chỉ xuất hiện vô duyên vô cớ vào một giây phút nào đó mà cảm xúc của bản thân bẫng lại. Đó chính là hội tụ của những dạng hình cảm xúc "thương" nhất mà lòng mình dành cho một người, hoặc nói ngược lại là một người đã như thế nào đấy, len lỏi được vào những đoạn mạch cảm xúc của mình." Đấy, chân ái là thế đấy, nó hơi khó hiểu nếu bạn là người lí tính, nhưng nếu bạn dùng cảm xúc để cảm nhận, bạn sẽ có được định nghĩa về chân ái cho bản thân mình.

Còn về thích à? Thì thích đơn giản là thích thôi, là tôi sẽ dành cảm tình của mình cho một ai đó, có thể liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật cũng có thể không. Hoặc là tôi rất rất thích người đấy nhưng không gọi họ là chân ái của mình, cũng không gọi là idol cũng không bảo là bản thân thần tượng họ thì tôi sẽ chỉ đơn giản gọi bản thân là hard supporter của họ. 

Thực sự là bản thân đã trăn trở về những điều này lâu lắm rồi, vì trước giờ cũng có vài người hỏi, những lúc như vậy lại thấy bối rối nên bây giờ quyết định viết một bài để gỡ cái bối rối của mình, sau này có ai hỏi thì gửi cho họ bài này để họ tự có câu trả lời luôn.

Nhận xét